Chế định bồi thường thiệt hại về môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Chế định bồi thường thiệt hại về môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Minh Trí

Nhu cầu sống trong một môi trường thân thiện, trong lành là một nhu cầu cơ bản và thiết yếu của con người. Đặc biệt, nhu cầu này càng gia tăng khi xã hội ngày càng phát triển. Tuy nhiên, trên con đường phát triển kinh tế, con người buộc lòng phải đánh đổi có khuôn khổ một cơ số giá trị của môi trường. Trong quá trình đánh đổi đó, việc xâm phạm đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của con người là điều có thể xảy ra và được lường trước. Trên tinh thần kế thừa và phát huy giá trị trong các văn bản pháp luật về môi trường trong thời kỳ trước, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có những sự điều chỉnh tiến bộ hơn, trong đó có chế định bồi thường thiệt hại về môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Luật BVMT) sẽ có hiệu lực vào tháng 01/2022 bao gồm 16 chương và 171 Điều, trong đó chế định về BTTH về môi trường được quy định trong Mục II chương X của Luật.

Kế thừa các quy định trong BLDS 2015, Luật BVMT 2014 và các văn bản khác có liên quan, trách nhiệm BTTH về môi trường trong Luật BVMT 2020 được xác định là trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng. Theo đó, thiệt hại trong trường hợp này bao gồm: Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường và thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.

Với quy định như vậy, thiệt hại để làm căn cứ yêu cầu BTTH về môi trường được xác định đầu tiên phải là có hay không sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường (thiệt hại nguyên phát); các thiệt hại vê sức khỏe, tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp khác của con người chỉ là các hậu quả kéo theo của thiệt hại nguyên phát (thiệt hại thứ phát).

Những điểm mới tích cực của chế định BTTH về môi trường

Trước nhất, Luật BVMT 2020 đã chuyển một phần nghĩa vụ chứng minh bồi thường thiệt hại sang cho bên bị yêu cầu BTTH. Theo đó, Luật BVMT quy định“…Việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại xảy ra thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, gây ô nhiễm về môi trường.”.

Khác với các quy định của các văn bản tiền nhiệm, Luật mới đã yêu cầu bên bị cho là đã gây ra ô nhiễm môi trường phải thực hiện việc chứng minh có hay không mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của mình với các thiệt hại về môi trường. Điều này là hoàn toàn hợp lý với thực trạng các tranh chấp về môi trường như hiện nay, khi mà bên bị thiệt hại phần lớn là những người dân yếu thế hơn không có điều kiện về tài lực lẫn vật lực thực hiện các công đoạn quan trắc hay giám định môi trường để chứng minh mỗi quan hệ nhân quả.

Việc hoán đổi nghĩa vụ như trên sẽ giúp cho người dân tự tin hơn trong việc tham gia các tranh chấp về môi trường, giảm bớt áp lực về trách nhiệm chứng minh trách nhiệm BTTH cho họ và buộc bên có khả năng gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm giải trình một cách rõ ràng, thỏa đáng cho những người bị thiệt hại về môi trường.

Thứ hai, UBND có thẩm quyền hoặc Bộ TNMT đươc quy định phải có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại tự mình hoặc ủy quyền cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường.

Vậy Luật BVMT 2020 đã quy định sự góp mặt của cơ quan nhà nước có vai trò là một bên của các tranh chấp về môi trường, người dân có thể thông qua cơ quan nhà nước để yêu cầu bên gây thiệt hại phải bồi thường. Việc quy định các cơ quan mang quyền lực nhà nước tham gia vào các vụ tranh chấp sẽ khiến cho bên gây thiệt hại phải “nghiêm chỉnh” hợp tác, thúc đẩy quá trình giải quyết tranh chấp về môi trường. Bên cạnh đó như đã đề cập, bên bị thiệt hại và bên gây thiệt hại trong vấn đề về ô nhiễm, suy thoái môi trường không ngang bằng về vị thế, việc bổ sung cơ quan nhà nước tham gia vào quy trình giải quyết tranh chấp khiến quá trình chứng minh trách nhiệm BTTH trở nên dễ dàng hơn, giúp cho cán cân của các bên trở nên đối trọng hơn.

Như vụ xử lý đối với công ty Formosa gây ô nhiễm môi trường là một ví dụ điển hình, phải cho đến khi có sự góp mặt của Bộ tài nguyên và môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành củng cố hồ sơ, chứng cứ chứng minh sự vi phạm bằng hình ảnh, số liệu quan trắc, sơ đồ vận hành, kết luận thanh tra vụ việc vv… thì lãnh đạo công ty mới chịu thừa nhận hành vi vi phạm và chấp nhận bồi thường thiệt hại. Từ đó cho thấy trách nhiệm của cơ quan nhà nước là hết sức quan trọng và quyết định trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại về ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Cuối cùng, Luật BVMT đã quy định “thương lượng” là một thủ tục tiền tố tụng bắt buộc trong quy trình giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường giữa các bên. Theo đó, các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp phải thực hiện bước thương lượng trước khi giải quyết bằng hình thức hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp bằng tòa án hay trọng tài.

Quy định này thể hiện sự tôn trọng quá trình thương lượng của đôi bên trong quan hệ tranh chấp dân sự, đưa ra cho các bên sự lựa chọn ít tốn kém về chi phí giải quyết và dễ linh động về thời gian hơn. Quá trình thương lượng cũng phần nào tạo điều kiện cho bên gây thiệt hại thể hiện thái độ hợp tác của mình đền bù các thiệt hại một cách nhanh chóng và kịp thời.

Các vấn đề bất cập tiềm tàng 

Bên cạnh những sự đổi mới đáng khích lệ thì Luật BVMT 2020 vẫn còn có một số điểm chưa phù hợp, thậm chí có mang những bất cập tiềm tàng trong quá trình áp dụng.

Về mặt hình thức, Luật BVMT 2020 cần thống nhất cụm từ “thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường” trong cả hệ thống văn bản pháp luật có liên quan. Theo đó, nguyên nhân gây thiệt hại môi trường được xác định bao gồm các hành vi gây ô nhiễm và gây suy thoái, trong các tên Điều luật đều sử dụng đồng bộ thuật ngữ này, tuy nhiên tại Khoản 2 Điều 133 Luật BVMT 2020 lại chỉ đề cập đến hành vi gây ô nhiễm mà không có cụm từ “suy thoái”. Bên cạnh đó, cũng cần có sự điều chỉnh về thuật ngữ này trong BLDS 2015 khi Bộ luật này chỉ quy định “Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường”.

Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 133 Luật BVMT nên dùng thuật ngữ “ Việc chứng minh không có mối quan hệ nhân quả…” thay cho “Việc chứng minh mối quan hệ nhân quả…” sẽ phù hợp hơn với ngữ cảnh khi chủ thể chứng minh ở đây là bên gây thiệt hại.

Về mặt nội dung, Khoản 2 Điều 133 Luật BVMT 2020 quy định tổ chức, cá nhân vi phạm, gây ô nhiễm về môi trường có trách nhiệm chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại xảy ra. Việc quy định này là trái với nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của BLDS.

Bởi lẽ, BLDS quy định các yếu tố cấu thành trách nhiệm của BTTH ngoài hợp đồng bao gồm: hành vi trái pháp luật; thiệt hại; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại. Như vậy, BLDS đã loại bỏ đi yếu tố lỗi trong việc chứng minh BTTH.

Trong khoa học pháp lý, hành vi vi phạm pháp luật là hành vi có yếu tố lỗi (lỗi vô ý hoặc cố ý). Việc quy định về chứng minh có “hành vi vi phạm pháp luật” trong Luật BVMT đã bổ sung thêm yếu tố lỗi trong việc xác định hành vi của bên gây thiệt hại, phải chăng nếu không có lỗi thì bên gây thiệt hại không phải bồi thường? Việc này sẽ gây bất lợi cho người bị thiệt hại vì trên thực tế bên gây thiệt hại có thể đã tuân theo đầy đủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng khi hoạt động vẫn gây ra ô nhiễm, suy thoái cho môi trường.

Quy định này cũng gây mâu thuẫn với Khoản 4 Điều 130 Luật BVMT 2020 khi Điều khoản này quy định “Tổ chức, cá nhân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, có hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu và chứng minh được rằng không gây thiệt hại về môi trường thì không phải bồi thường thiệt hại về môi trường,…”. Với quy định này thì được hiểu rằng bên gây thiệt hại vẫn phải bồi thường dù cho đã tuân thủ các quy trình về bảo vệ môi trường.

Luật BVMT 2020 quy định về thủ tục “thương lượng” là bước bắt buộc trước khi thực hiện các hình thức giải quyết tranh chấp khác, tuy nhiên Luật này lại không đưa ra cụ thể trình tự, thủ tục, thời hạn để các bên áp dụng việc thương lượng. Trong trường hợp bên gây thiệt hại cố tình kéo dài thời gian thương lượng để hết thời hiệu khởi kiện sẽ gây bất lợi cho bên bị thiệt hại.

Bên cạnh đó, việc đại diện của cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết tranh chấp với bên gây thiệt hại có được xem là khởi kiện tập thể hay không? Nếu có thì cần sự điều chỉnh về vị thế của cơ quan nhà nước trong các quy định tố tụng áp dụng cho trường hợp này. Ngoài ra, trong trường hợp có những người bị thiệt hại ủy quyền cho cơ quan nhà nước và có những người không ủy quyền cho cơ quan nhà nước giải quyết tranh chấp thì có được đưa vào chung một vụ kiện để giải quyết hay không? Trong trường hợp cùng một hành vi gây thiệt hại Tòa án đã giải quyết tranh chấp thì các cá nhân, tổ chức khác bị thiệt hại nhưng chưa yêu cầu bồi thường có được khởi kiện lại yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường riêng cho mình hay không? Đây là những câu hỏi mà các nhà làm luật cần làm rõ để tránh những bất cập trong quá trình áp dụng Luật BVMT 2020.

Tác giả còn kiến nghị nên học hỏi các nước trên thế giới về việc thành lập một Tòa án chuyên trách về môi trường. Việc này không chỉ giúp cho cơ quan tư pháp tạo lập được một đội ngũ có chuyên môn cao, thống nhất trình tự thủ tục trong các vụ việc môi trường mà còn giúp cho người dân tin tưởng và mạnh dạng hơn trong việc đưa các vụ việc này đến với tòa án, tạo lập và nâng cao hệ ý thức về bảo vệ môi trường vững mạnh hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

About author

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *