Vì sao người lao động tham gia BHXH cách ly vì Covid-19 không được hưởng chế độ ốm đau?

Vì sao người lao động tham gia BHXH cách ly vì Covid-19 không được hưởng chế độ ốm đau?

* Bảo Ngọc

Tính đến tối ngày 18/8, Việt Nam ghi nhận có thêm 8.800 ca mắc Covid-19, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 298.064 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Trong số rất nhiều người phải cách ly để đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19, không ít người có tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), tuy nhiên họ lại không được hưởng chế độ ốm đau. Họ không thể đi làm, không có thu nhập, không được hưởng chế độ ốm đau dù có tham gia BHXH. Vậy quyền lợi của người lao động có được đảm bảo không?

Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 173/QĐ-TTg công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virus Corona gây ra. Mức độ nguy hiểm của dịch được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tại khoản 1 Điều 4 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định “Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc thuộc nhóm A và môt số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly”.
Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch thì các biện pháp cách ly y tế bao gồm: Cách ly y tế tại nhà, cách ly tại cơ sở y tế, cách ly y tế tại cửa khẩu và cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác.
Tại Điều 25 Luật BHXH về điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đang tham gia BHXH thì người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Như vậy, đối với người bị cách ly y tế mà không bị mắc bệnh truyền nhiễm không phải là trường hợp ốm đau và không phải điều trị nhưng bị bắt buộc nghỉ việc để phòng dịch thì còn liên quan đến quyền lợi về BHXH.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ LĐ-TB&XH đồng ý đối với những người bị cách ly y tế để phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hưởng chế độ ốm đau theo quy định trong thời gian cách ly y tế.
“Treo” chính sách vì Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế chưa trả lời
Ông Phan Văn Mến – Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, hiện nay, cơ quan BHXH đang chi trả chế độ ốm đau cho người lao động tham gia BHXH đã được cơ quan chuyên môn xác định mắc Covid-19 và phải điều trị y tế. Người lao động tham gia BHXH phải cách ly tập trung hay cách ly tại nhà hiện không được hưởng chế độ này.
“Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động tham gia BHXH, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế để có hướng dẫn. Tinh thần của ngành BHXH là phải chi trả chế độ ốm đau cho người lao động tham gia BHXH phải cách ly tập trung, cách ly tại nhà. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi chưa nhận được phản hồi của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế nên vẫn chưa thể giải quyết được cho đối tượng này”, ông Phan Văn Mến cho hay.
Cụ thể, ngày 13/2/2020, BHXH Việt Nam có Công văn số 422 gửi Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế về giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động bị buộc thực hiện biện pháp cách ly y tế phòng dịch viêm đường hô hấp chủng mới Corona (nCoV). Công văn của BHXH Việt Nam nêu rõ: “Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Covid-19 không chỉ có các chi phí điều trị y tế mà còn liên thông với việc thực hiện chế độ BHXH về ốm đau đối với người lao động bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm quy định tại nhóm A, một số bệnh thuộc nhóm B nói chung và bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 nói riêng phải cách ly y tế theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm sẽ phát sinh một số vướng mắc và cần được tháo gỡ”.

Cần đảm bảo tối đa quyền lợi cho người lao động
Về hồ sơ hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH; Khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT, hồ sơ gồm:
Trường hợp điều trị nội trú: Giấy ra viện;
Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
Tuy nhiên, đối với người bị cách ly y tế mà không mắc bệnh truyền nhiễm thì không được cấp những giấy tờ này.
Tại Khoản 7 Điều 2 Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29/2/2012 của Bộ Tài chính về việc quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế thì cơ sở thực hiện cách ly y tế có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn (nếu có). Tuy nhiên đối với người bị cách ly y tế tại nhà thì không có quy định cấp hồ sơ làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 100 Luật BHXH thì Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện và các giấy tờ khác làm căn cứ hưởng chế độ BHXH.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ Y tế đồng ý đối với những người bị cách ly y tế tại nhà thì Trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú căn cứ danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà được Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cấp xã phê duyệt có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động để làm căn cứ giải quyết chế độ ốm đau theo quy định.
Như vậy, BHXH Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế, đề nghị sớm có nghiên cứu hướng dẫn. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn 6 tháng, Việt Nam trải qua nhiều đợt cao điểm dịch Covid-19, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế không có phản hồi cho nên việc giải quyết chế độ cho người lao động có tham gia BHXH mà bị cách ly vì Covid-19 đã không được giải quyết.

About author

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *