Dịch Covid-19 và cuộc chiến chống tin giả
Bảo Ngọc
Trong khi cả nước đang căng mình chống dịch thì những tin giả, tin đồn, tin thất thiệt về dịch bệnh làm cho tình hình xã hội thêm phức tạp, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận, tạo nhiều khó khăn cho “cuộc chiến” phòng, chống Covid-19.
Hoảng loạn vì tin giả
Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Bộ TT&TT, những ngày gần đây, cùng với các diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, lợi dụng sự chú ý của cộng đồng, tin giả liên quan đến dịch bệnh cũng đang xuất hiện nhiều trên không gian mạng, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc xin Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bố, cung cấp vắc xin của Chính phủ cũng như việc sử dụng Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương… Đáng chú ý là, nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.
Điển hình như ngày 19/7, Trung tâm này đã lên tiếng bác bỏ và cảnh báo thông tin thất thiệt về hình ảnh được cho là “xác chết của bệnh nhân Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Trung tâm này khẳng định, đó là hình ảnh chụp tại một bệnh viện của Myanmar, chứ không phải tại Thành phố Hồ Chí Minh như một số tài khoản Facebook tung tin trên mạng xã hội. Và mới đây, thông tin một nam bác sĩ tên Khoa đã rút ống thở của mẹ mình để cứu sản phụ mang song thai lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và lấy đi nhiều nước mắt của cộng đồng. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có luật, quy định nào cho bác sĩ hoặc người thân tự rút ống thở bệnh nhân và đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sau khi kiểm tra đã khẳng định thông tin lan truyền trên là hư cấu.
Bài viết trên trang cá nhân của “bác sĩ Khoa”
Đăng tin giả, mất tiền thật
Đăng tải thông tin sai lệch là hành vi vi phạm pháp luật. Các mức xử phạt đối với hành vi thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về dịch bệnh Covid-19 trên mạng xã hội được quy định như sau:
Đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19 gây hoang mang trong dư luận thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (theo điểm a, d khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NÐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử). Nghị định 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020 và thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP.
Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông” với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Cần các biện pháp xử lý nghiêm minh
Không gian mạng tưởng chừng như ảo nhưng lại thật, bởi đứng đằng sau những thông tin được phát tán, chính là những con người thật và điều đáng ngại là những thông tin xuyên tạc, sai sự thật lại được đăng tải, chia sẻ với tốc độ chóng mặt, có tác động rất lớn. Việc xác minh, xử lý những đối tượng đăng tải các nguồn tin giả, tin sai sự thật khiến cơ quan chức năng mất không ít thời gian, công sức, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch đang diễn biến phức tạp.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt cổng thông tin tiếp nhận phản ánh, công bố tin giả tại địa chỉ http://tingia.gov.vn và đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108. Đây được coi là công cụ hữu hiệu giúp nhận diện được các thông tin giả, thông tin sai sự thật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin xấu độc, xây dựng môi trường mạng trong sạch. Cổng thông tin tiếp nhận trực tuyến các phản ánh về tin giả của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đồng thời công bố tin giả bằng hình thức dán nhãn tin giả, tin sai sự thật.
Leave a reply