Biến tướng cho vay ngang hàng vẫn tồn tại

Biến tướng cho vay ngang hàng vẫn tồn tại

*Mạnh Cường

Trong xu thế phát triển của khoa học công nghệ, mô hình cho vay ngang hàng là một mô hình đầy tiềm năng. Báo cáo của Transperancey Market Research về quy mô và xu hướng phát triển thị trường cho vay ngang hàng toàn cầu dự báo, thị trường này có thể đạt quy mô 897,9 tỷ USD vào năm 2024. 

Cho vay ngang hàng là gì?

Fintech là việc áp dụng công nghệ đổi mới, sáng tạo và hiện đại vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng nhằm mang tới cho khách hàng các dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện với chi phí thấp hơn so với các dịch vụ tài chính truyền thống.

Cho vay ngang hàng (P2P lending) là một hình thức của Fintech, hoạt động dựa trên nền tảng giao dịch trực tuyến kết nối trực tiếp giữa người đi vay và người cho vay mà không thông qua các trung gian tài chính như tổ chức tín dụng.

Để dễ hiểu hơn, công ty thực hiện hoạt động cho vay ngang hàng (sau đây gọi tắt là công ty P2P) đóng vai trò như một nhà môi giới sẽ cung cấp một nền tảng công nghệ (dưới dạng trang web hoặc ứng dụng điện thoại) để kết nối giữa bên cho vay và bên đi vay.

Thiết kế không tên

Khách hàng mà các công ty P2P hướng đến là các cá nhân hoặc các doanh nghiệp nhỏ với đa dạng nguồn vốn vay từ vài triệu, vài chục triệu cho đến vài trăm triệu. Cách thức vay vốn cũng rất đa dạng khi cá nhân có thể vay theo chứng minh nhân dân, vay theo sổ hộ khẩu, vay tín chấp theo lương…

Ưu điểm khiến cho vay ngang hàng trở nên phổ biến hơn là tính nhanh chóng và tiện lợi khi chỉ cần vài thao tác đơn giản trên laptop hoặc điện thoại di động thì người đi vay có thể nhận được tiền vay mà không phải trải qua quá trình thẩm định hồ sơ vốn vay như khi đi vay tại các tổ chức tín dụng.

Hiện nay ở Việt Nam, vẫn chưa có một văn bản pháp luật trực tiếp điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng nên dẫn đến khó khăn trong việc quản lý hoạt động của các công ty P2P. Mặc dù vậy, hoạt động của công ty P2P vẫn phải tuân thủ theo các quy định pháp luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hay Bộ Luật dân sự (BLDS).

Cho vay ngang hàng vẫn chưa được công nhận là một hình thức đầu tư kinh doanh nên các công ty P2P khi thành lập doanh nghiệp thường đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ (ngành nghề kinh doanh có điều kiện) tư vấn tài chính, môi giới tài chính. Bên cạnh đó, lãi suất của các khoản vay phải đảm bảo không được vượt quá 20%/năm theo quy định của BLDS.

Rủi ro từ hoạt động cho vay ngang hàng

Thị trường cho vay ngang hàng là một mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư tham gia, tuy nhiên, vì thiếu hành lang pháp lý trực tiếp điều chỉnh hoạt động nên xuất hiện nhiều biến tướng cho vay ngang hàng để lại ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Theo quy định của pháp luật, hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây: nhận tiền gửi; cấp tín dụng; và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Chỉ có các tổ chức tín dụng mới được phép thực hiện hoạt động ngân hàng, pháp luật nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.

Cho vay là một trong số các hình thức cấp tín dụng, là hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, cá nhân hoặc tổ chức vẫn có thể cho vay miễn sao hoạt động cho vay của họ không phải là hoạt động thường xuyên và mang tính chuyên nghiệp như hoạt động ngân hàng. Do đó, các công ty P2P khi hoạt động không được đóng vai trò là bên cho vay mà chỉ là trung gian cung ứng nền tảng công nghệ để kết nối giữa bên đi vay và bên cho vay.

Thực tế, bên cạnh những công ty P2P uy tín thực hiện đúng vai trò của mình, nhiều công ty P2P (phần lớn đến từ Trung Quốc) lại vi phạm quy định pháp luật khi trực tiếp đứng ra là bên cho vay tiền trên nền tảng của mình tạo ra. Ngoài ra, các công ty này dùng nhiều thủ đoạn để lừa dối khách hàng gây thiệt hại rất lớn cho họ.

Ví dụ: Khi vay qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online”, người vay chỉ được vay tối đa 1,5 triệu đồng và chỉ được nhận 900.000 đồng, 600.000 đồng là phí dịch vụ và tiền lãi trả trước của 1 tuần. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc là 1,5 triệu đồng, trả chậm phạt mỗi ngày từ 2 – 5%. Tính ra, mức cho vay qua ứng dụng là 3%/ngày, 90%/tháng

Như vậy, bằng thủ đoạn dùng phí dịch vụ, các công ty P2P đã che dấu đi hoạt động cho vay nặng lãi đối với khách hàng.

Dự thảo thử nghiệm nhưng vẫn chưa giải quyết được

Chính phủ đã ban hành dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Trong dự thảo Nghị định, cho vay ngang hàng là một trong bảy lĩnh vực Fintech mà các tổ chức được phép đăng ký tham gia thử nghiệm.

Quá trình thử nghiệm được tiến hành như sau: Sau khi tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm Fintech, Ngân hàng nhà nước (NHNN) sẽ trình hồ sơ lên cho Thủ tướng phê duyệt. Tổ chức được chấp nhận tham gia vào cơ chế sẽ được NHNN cấp giấy chứng nhận đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm Fintech.

Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech là từ 1-2 năm. Kết thúc thời gian thử nghiệm, NHNN dựa trên báo cáo tổng kết và quá trình giám sát trình Thủ tướng phương án xử lý tiếp theo bao gồm: dừng thử nghiệm, chứng nhận hoàn thành thử nghiệm hoặc gia hạn thử nghiệm. Tổ chức nhận được giấy chứng nhận hoàn thành thử nghiệm sẽ được chính thức triển khai hoạt động trên thị trường.

Như vậy, Fintech nói chung và cho vay ngang hàng nói riêng sẽ được công nhận là một loại hình hoạt động kinh doanh chính thức tại Việt Nam sau khi các tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm nhận được giấy chứng nhận hoàn thành thử nghiệm. Đồng thời quá trình này cũng đem lại lợi thế lớn cho các tổ chức nhận được giấy chứng nhận, khi hoạt động trên thị trường với uy tín được đảm bảo giúp cho khả năng cạnh tranh cao, đồng thời dần loại bỏ sự cạnh tranh từ các tổ chức không tham cơ chế thử nghiệm hoặc các tổ chức phải dừng thử nghiệm.

Dự thảo Nghị định chỉ mới đưa ra các quy định triển khai thử nghiệm cho Fintech nói chung và cho vay ngang hàng nói riêng và dường như chưa có biện pháp ngăn chặn các biến tướng đã được đề cập. Vì thế, các biến tướng này có thể xuất hiện nhiều hơn trong tương lai.

Vay ngang hàng là một thị trường tiềm năng để các nhà đầu tư tham gia, tuy nhiên, khi hành lang pháp lý còn nhiều khoảng trống thì ngày càng xuất hiện nhiều biến tướng tạo ra nhiều rủi ro ảnh hưởng xấu đến thị trường này. Nhà nước bên cạnh quá trình triển khai thử nghiệm hoạt động Fintech cũng nên nhanh chóng đưa ra các quy định pháp luật điều chỉnh nhằm hạn chế những rủi ro đang tồn tại.

About author

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *