Sàn giao dịch nợ VAMC: Thị trường tiềm năng?
*Mạnh Cường
Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam (VAMC) vừa có thông báo sắp khai trương Sàn giao dịch nợ VAMC sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cấp giấy phép, theo dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối tháng 9 năm nay.
Thành lập sàn chỉ để hoàn thành mục tiêu đề ra?
Sau giai đoạn thực thi Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đem lại hiệu quả tích cực. Sàn giao dịch nợ VAMC thành lập và đi vào hoạt động sắp tới đây được cho là góp phần thúc đẩy, phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam.
Hoạt động trọng tâm của sàn này là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân. Thông qua việc sử dụng các kiến thức chuyên môn để phát hiện vấn đề, đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động mua, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; đồng thời, làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.
Sàn giao dịch nợ sẽ là bên trung gian giữa bên mua và bên bán, bao gồm các câu lạc bộ xử lý nợ xấu (AMC) từ hệ thống tín dụng, đặc biệt là ngân hàng, các doanh nghiệp/cá nhân có nhu cầu mua bán nợ. Như vậy, sàn sẽ giải quyết được vấn đề hạn chế chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ trong nhiều năm qua, mở ra cơ hội tham gia thị trường cho các nhà đầu tư.
Nhìn lại Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), xác định mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ. Như vậy, việc thành lập Sàn giao dịch nợ là phù hợp và đúng tiến độ so với mục tiêu mà NHNN đã đề ra.
Bên cạnh đó, việc thành lập Sàn giao dịch nợ không chỉ nhằm chạy theo quy hoạch “cho có” mà góp phần thúc đẩy nhanh quá trình giải quyết nợ xấu còn tồn đọng của VAMC. Vì các khoản nợ xấu quy định trong Nghị quyết 42 là các khoản nợ hình thành trước ngày 15/8/2017, trong khi vẫn còn nhiều khoản nợ chưa được giải quyết nên thông qua sàn giao dịch nợ giúp đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu còn tồn đọng của VAMC trước khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực.
Ngoài ra, việc thành lập Sàn giao dịch nợ còn để đáp ứng nhu cầu của thị trường, khi mà nhu cầu cần thiết có một sàn giao dịch nợ đã tồn tại từ lâu. Quay trở lại với Chiếc lược phát triển VAMC của NHNN, từ năm 2026 trở đi Chiến lược đề xuất mở rộng lĩnh vực hoạt động của VAMC, hướng tới việc mua, bán nợ và tài sản của mọi thành phần trong nền kinh tế. Do đó, việc thành lập sàn không chỉ chạy theo quy hoạch mà còn để VAMC từng bước mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội để phát triển lĩnh vực hoạt động trong tương lai.
Cơ hội nào cho nhà đầu tư?
Nghị quyết 42 là hành lang pháp lý hỗ trợ trong công tác xử lý nợ xấu hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, Nghị quyết 42 vẫn còn những vướng mắc trong thực tiễn xử lý nợ xấu, trong khi nghị quyết sắp hết hiệu lực và NHNN vẫn đang trong tiến trình xây dựng đề án xử lý nợ xấu giai đoạn tới từ 2021 – 2026. Do đó, đặt ra hai vấn đề.
Thứ nhất, các khoảng nợ sau ngày 15/8/2017 của VAMC sẽ được giải quyết như thế nào khi chưa có cơ chế pháp lý đảm bảo. Hướng xử lý khó khăn này chỉ có thể chờ đến khi có văn bản pháp luật mới thay thế Nghị quyết 42.
Thứ hai, các khoản nợ của tổ chức, cá nhân sau khi được niêm yết trên sàn khó mà thu hút được nhà đầu tư khi mà còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, theo quy định tại Luật Đất đai, tổ chức kinh tế, cá nhân không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, điều này gây ra khó khăn cho các nhà đầu tư khi đa phần giao dịch hiện nay thường sử dụng quyền sử dụng đất để đảm bảo cho giao dịch. Quy định như vậy sẽ khiến cho các nhà đầu tư có tâm lý quan ngại khi tham gia vào thị trường.
Ngoài ra, VAMC được xem là vai trò trung tâm của sàn giao dịch nợ nhưng cũng chính là chủ thể tham gia các giao dịch thì sẽ khó mà khách quan được. Lấy ví dụ, VAMC có thể tư vấn cho các nhà đầu tư chọn mua “hàng hóa” của mình hoặc của các bên bán mà VAMC ưu tiên. Do đó, để VAMC nắm vai trò trung tâm của sàn thì NHNN phải có một cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo tính khách quan.
Như vậy, để sàn giao dịch nợ VAMC trở thành một thị trường thu hút nhà đầu tư thì phải cần nhiều thời gian để giải quyết các vướng mắc trong văn bản pháp luật. Ngoài ra, để sàn hoạt động hiệu quả thì phải đợi một thời gian VAMC đi vào hoạt động để có những kinh nghiệm vận hành sàn, qua đó điều chỉnh hoạt động sàn không chỉ dừng lại ở kênh kết nối giữa người mua và người bán.
Việc thành lập sàn giao dịch nợ không chỉ nhằm đáp ứng quy hoạch đề ra cho có mà còn thúc đẩy, phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam với việc tạo điều kiện cho nhiều chủ thể hơn tham gia. Ngoài ra, sàn góp phần giải quyết được các khoản nợ tồn đọng trước khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực và tạo điều kiện để mở rộng thị trường mua bán nợ. Tuy vậy, phải đợi một thời gian dài sau khi giải quyết được những khó khăn thì sàn mới hoạt động hiệu quả thu hút nhà đầu tư.
Leave a reply