Mở rộng phạm vi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước

Mở rộng phạm vi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước

Trương Thoa

Nghị định 67/2021/NĐ-CP (Nghị định 67/2021) ngày 15/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (Nghị định 167/2017) của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. So với quy định cũ, Nghị định 67 có nhiều sửa đổi khá căn bản cả về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như phương án sắp xếp, xử lý nhà đất để phù hợp với thực tế hơn. Nổi bật lên là đối tượng áp dụng đã có sự mở rộng đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Doanh nghiệp nhà nước đang giữ vai trò chi phối nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế. Trong ngành viễn thông, thông tin, liên lạc, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giữ vai trò chi phối. Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, 4 ngân hàng thương mại có vốn đầu tư nhà nước lớn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với tổng tài sản và dư nợ tín dụng chiếm trên 50% toàn hệ thống ngân hàng, đóng vai trò bảo đảm cung ứng kịp thời nguồn vốn để phát triển kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời cũng là lực lượng tiên phong thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất, tỷ giá nhằm giữ ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hệ thống tín dụng ngân hàng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Cao su, Tổng công ty VINAFOOD 1, VINAFOOD 2,… là nòng cốt trong phát triển ngành cao-su, trong bảo đảm an ninh lương thực, tiêu thụ lúa gạo cho hàng triệu hộ nông dân. Trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, một số doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex),… đã thể hiện tốt vai trò của mình.

Định nghĩa lại doanh nghiệp nhà nước

Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý, hoạt động kinh doanh hay hoạt động công ích nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội do Nhà nước giao. Doanh nghiệp Nhà nước có tư cách pháp nhân, có quyền và nghĩa vụ dân sự, tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động kinh doanh trong phạm vi vốn do doanh nghiệp quản lý. Doanh nghiệp Nhà nước có tên gọi, có con dấu riêng và có trụ sở chính trên lãnh thổ Việt Nam. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 thì “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp nhà nước không còn là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nữa mà thay vào đó “Doanh nghiệp Nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước  nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020”.

Như vậy, nếu như Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã giảm tỷ lệ giữ vốn điều lệ trong doanh nghiệp nhà nước của Nhà nước xuống, trên 50% vốn điều lệ. Với quy định này thì sẽ có nhiều doanh nghiệp được xem là doanh nghiệp nhà nước hơn

Đặc điểm của doanh nghiệp Nhà nước

– Chủ đầu tư: là Nhà nước hoặc tổ chức khác

– Cơ cấu sở hữu vốn: Vốn điều lệ doanh nghiệp sẽ do Nhà nước sở hữu toàn bộ 100% vốn hoặc nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

– Tư cách pháp lý và trách nhiệm về tài sản: Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế tồn tại dưới hình thức công ty TNHH MTV hoặc Hai thành viên trở lên, công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản của doanh nghiệp. Nhà nước chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi tài sản góp vốn vào doanh nghiệp.

– Mục tiêu hoạt động doanh nghiệp: Doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước tổ chức quản lý và hoạt động theo mục tiêu kinh tế xã hội do Nhà nước giao. Việc thành lập doanh nghiệp Nhà nước dựa trên những đòi hỏi thực tiễn của nền kinh tế thời điểm đó và chủ trương của Đảng và ngành nghề lĩnh vực đó.

– Các loại hình doanh nghiệp nhà nước: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp nhà nước được chia thành các loại hình sau:

    + Trường hợp 1: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm:

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tâp đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con

+ Trường hợp 2: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết bao gồm:

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con.

Trong những năm qua, để thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việcsắp xếp, xử lý nhà đất từng bước tiến đến quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Nghị định 67/2021 ra đời sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2017 đã luận giải một cách cụ thể và bao quát các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, cụ thể hóa các doanh nghiệp cấp I, cấp II, cấp III đều phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất. Quy định này, một mặt thống nhất với Luật Doanh nghiệp năm 2020; mặt khác để phù hợp với thực tế hiện nay vì các đối tượng này đang quản lý, sử dụng rất nhiều nhà, đất cần thiết phải thực hiện để bảo đảm sử dụng nhà, đất tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế thất thoát.

Theo đó, tại điểm b Khoản 1 Điều 2 Nghị định 167/2017, quy định:

Doanh nghiệp bao gồm: Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi là doanh nghiệp nhà nước); công ty cổ phần và Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (sau đây gọi là công ty cổ phần).

Đối với công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, việc quản lý, sử dụng nhà, đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan”.

 Nghị định 167/2017 khái quát lên được tỷ lệ vốn sở hữu chiếm bao nhiêu để được coi là doanh nghiệp nhà nước. Đối với loại hình Công ty TNHH MTV thì vốn nắm giữ là 100% vốn điều lệ. Công ty cổ phần và Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Tại điểm khoản 2 Điều 1 Nghị định 67/2021 sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định 167/2017, cụ thể như sau:

b1) Doanh nghiệp cấp I là Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước, công ty độc lập do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ngân hàng Chính sách xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ; công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp có vốn góp chiếm trên 50% vốn điều lệ”.

So với Nghị định 167/2017 chỉ dừng lại ở việc đưa ra cách nhận diện các doanh nghiệp nhà nước thông qua vốn đang sở hữu. Nghị định 67/2021 đã liệt kê một cách cụ thể, ngoàiTập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước là hai doanh nghiệp thuần túy. Đã chỉ ra được các cơ quan chủ quan của cách doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100%, bao gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ngân hàng Chính sách xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp. Và những công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp có vốn góp chiếm trên 50% vốn điều lệ.

Có thể kể tên các những trường đại học thành lập công ty theo Luật Giáo dục Đại học 2014, là doanh nghiệp nhà nước cấp I theo Nghị định 67/2021 như:

1. Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Tp.HCM) công bố quyết định đưa vào hoạt động Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách khóa Tp.HCM năm 2018.

2. Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Tp.HCM) ra mắt Công ty TNHH Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa.

Nghị định 167/2017 không đề cập đến các công ty con của các công ty nhà nước. Nhưng đến với Nghị định 67/2021 đã bổ sung các điểm b2, b3 được phân tách ra để nhận diện doanh nghiệp cấp II, III về tỷ lệ sở hữu vốn góp khi các doanh nghiệp cấp I mở rộng kinh doanh. Hay nói cách khác, các điểm b2, b3 là cách phân tích để nhận diện các cơ quan, công ty nhà nước sẽ nắm giữ lượng vốn như thế nào để trở thành các công ty mẹ có quyền chi phối, biểu quyết tại các công ty con tham gia đầu tư.

b2) Doanh nghiệp cấp II là doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp cấp I quy định tại tiết b1 điểm này mà: tỷ lệ % vốn nhà nước tại doanh nghiệp cấp I nhân với (x) tỷ lệ % vốn góp của doanh nghiệp cấp I vào doanh nghiệp cấp II chiếm trên 50% vốn điều lệ;

b3) Doanh nghiệp cấp III là doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp cấp II quy định tại tiết b2 điểm này mà: tỷ lệ % vốn nhà nước tại doanh nghiệp cấp I nhân với (x) tỷ lệ % vốn góp của doanh nghiệp cấp I vào doanh nghiệp cấp II nhân với (x) tỷ lệ % vốn góp của doanh nghiệp cấp II vào doanh nghiệp cấp III chiếm trên 50% vốn điều lệ”.

Khác biệt so với điểm a khoản 1 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về cách xác định công ty con dựa vào “Sở hữu trên 50% vốn điều kệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó”. Nghị định 67/2021, đưa ra cách xác định định lượng dựa vào % vốn góp so với lượng vốn mà các doanh nghiệp đang sở hữu. Có thể hình dung qua biểu đồ sau đây:

chart chị Thoa 2

Nghị định 67/2021 sửa đổi, bổ sung một số đối tượng doanh nghiệp áp dụng thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Liệt kệ một cách cụ thể về doanh nghiệp cấp I, II và III. Từ đó, khoanh vùng được những đối tượng chịu chi phối bởi pháp luật và quản lý sử dụng tài sản công, đối tượng nào không bị chi phối. Cách xác định cũng rõ ràng cụ thể theo công thức định lượng. Công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát triển dự án có liên quan đến tài sản công sẽ thuận lợi và rõ ràng hơn. Sẽ có sự dịch chuyển những doanh nghiệp trong giai đoạn trước “được gọi là doanh nghiệp Nhà nước” nay sẽ ránh những doanh nghiệp không chịu sự áp dụng của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017.

Ngoài ra, Nghị định 67/2021 còn quy định phạm vi nhà đất được xử lý, sắp xếp lại, việc phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Vì vậy Nghị định 67/2021 sẽ là cơ sở để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Đồng thời, Nghị định 67/2021 cũng nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Nghị định đã cơ bản giải quyết được các những vướng mắc phát sinh trong thời gian qua, bảo đảm thúc đẩy tiến độ thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất, nhất là nhà, đất do các doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện cổ phần hóa, góp phần quản lý, sử dụng nhà, đất đảm bảo chặt chẽ, tránh thất thoát tài sản công.

About author

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *