Cái chết nhân đạo ở Việt Nam

Cái chết nhân đạo ở Việt Nam

Mạnh Cường

Gần đây, thông tin về việc một bác sĩ đã rút ống thở của ba mẹ để cứu một sản phụ gây hoang mang dư luận. Sau đó, thông tin này đã được xác định là hư cấu, tuy nhiên, từ câu chuyện này cũng gợi nhắc lại câu chuyện cái chết nhân đạo gây tranh cãi trong khoảng thời gian dài. 

Vào ngày 8.8 trên các trang mạng xã hội đưa tin một bác sĩ đang chăm sóc bố và mẹ mắc Covid-19 nặng cùng một sản phụ chuẩn bị sinh đôi. Khi bố mất và mẹ nguy kịch có thể không qua khỏi, vị bác sĩ này đã quyết định rút ống thở của mẹ để nhường lại sự sống cho sản phụ để thực hiện cuộc sinh mổ thành công.

Quy định pháp luật về cái chết nhân đạo?

Cái chết nhân đạo hay còn gọi là quyền được chết, là một thuật ngữ pháp lý dùng để chỉ về việc lựa chọn của con người cụ thể để tìm đến cái chết một cách tự nguyện nhằm giải thoát khỏi đau khổ, bệnh tật hoặc các lý do khác.

Để dễ hiểu hơn, quyền được chết cho phép một người đang trong tình trạng không thể phục hồi (thường là mắc các bệnh không thể chữa khỏi, đau đớn đến mức không thể chịu đựng) được áp dụng các biện pháp y tế để “ra đi” sớm hơn nhằm không phải tiếp tục chịu đựng những đau đớn về thể chất và tinh thần.

Hiện nay, đã có một số quốc gia trên thế giới công nhận quyền được chết như Hà Lan, Bỉ, Luxembourg. Và một số nước mặc dù không chính thức công nhận quyền được chết nhưng vẫn có những quy định nhằm hỗ trợ công dân thực hiện quyền được chết như Thụy Sỹ, Đức hay một số bang ở Mỹ.

Các quy định tại các quốc gia này rất chặt chẽ, như phải đáp ứng được các điều kiện về tình trạng sức khỏe, tính tự nguyện, khả năng nhận thức… và việc thực hiện quyền được chết phải được tiến hành bằng biện pháp y tế do các bác sĩ có chuyên môn.

Lấy ví dụ trong quy định pháp luật của Hà Lan về quyền được chết, khi thực hiện quyền này phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện bao gồm: (i) nỗi đau của bệnh nhân là không thể chịu đựng được và không có triển vọng cải thiện; (ii) yêu cầu an tử của bệnh nhân phải tự nguyện (không chịu ảnh hưởng của người khác, tâm lý bệnh tật hoặc của thuốc) và kiên trì theo thời gian; (iii) bệnh nhân phải nhận thức được đầy đủ về tình trạng của mình, triển vọng và các lựa chọn; (iv) phải có sự tham vấn với ít nhất một bác sĩ độc lập khác là người mà cần xác nhận các điều kiện nêu trên; (v) cái chết phải được thực hiện theo cách phù hợp về mặt y tế bởi bác sĩ hoặc bệnh nhân và bác sĩ phải có mặt; (vi) bệnh nhân ít nhất 12 tuổi (bệnh nhân từ 12 đến 16 tuổi đòi hỏi có sự chấp thuận của cha mẹ).

Quy định chặt chẽ như vậy nhằm đảm bảo không xảy ra tình trạng những cá nhân lợi dụng để tước đoạt mạng sống của người khác trái pháp luật.

Bên cạnh một số quốc gia công nhận quyền được chết, vẫn còn rất nhiều quốc gia phản đối và không công nhận quyền này như một quyền cơ bản của con người.

Tại Việt Nam, quyền được chết đã từng được đề xuất là một quyền của con người trong giai đoạn xây dựng Hiến pháp 2013 và Bộ luật dân sự 2015. Tuy nhiên, đã có rất nhiều ý kiến phản đối việc công nhận quyền này vì liên quan đến vấn đề đạo lý và pháp lý.

Khi một bộ phận không nhỏ người dân tin rằng “sinh, lão, bệnh, tử” là do ý trời nên chúng ta không thể dùng những phương pháp y tế để tước đi mạng sống của họ. Đồng thời, khi một người ra đi thì họ đã được chọn đi vào một thời gian nhất định, việc thực hiện cái chết nhân đạo sẽ ảnh hưởng đến tổ chức lễ nghi sau này.

Bên cạnh đó, pháp luật khi công nhận quyền được sống phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật riêng, văn bản này phải có những quy định rất chặt chẽ như những quy định của các nước đã áp dụng. Ngoài ra, còn phải sửa đổi sao cho phù hợp với thuần phong, mỹ tục của người Việt ta. Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ như trên nhằm tránh đi tình trạng lợi dụng để tước đoạt mạng sống người khác trái pháp luật, nhưng cũng mất rất nhiều thời gian.

Do đó, đến ngày nay quyền được chết vẫn chưa được công nhận là một quyền cơ bản của con người ở Việt Nam.

Hiến pháp 2013 ghi nhận mọi người có quyền được sống, có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Một người chỉ bị hạn chế quyền con người theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Như vậy, pháp luật Việt Nam giống với nhiều pháp luật của quốc gia khác không công nhận quyền được chết là một quyền của con người.

Quay trở lại với tình huống hư cấu ở đầu bài, việc bác sĩ rút ống thở của mẹ để cứu người khác là hoàn toàn vi phạm pháp luật, ngay cả khi mẹ của bác sĩ đó đồng ý với việc làm đó. Vậy khi thực hiện hành vi như vậy, vị bác sĩ sẽ phải gánh chịu những hình phạt nào?

Các hình phạt có thể được áp dụng

Thứ nhất, trường hợp mẹ vị bác sĩ không đủ nhận thức hoặc họ đủ nhận thức nhưng không đồng ý với việc làm trên (hoặc ngay cả trường hợp mẹ vị bác sĩ đồng ý), việc bác sĩ rút ống thở dẫn đến mẹ của bác sĩ chết sẽ phạm tội Giết người quy định tại Điều 123 BLHS. Theo đó, người phạm tội bị phạt tù với hình phạt cao nhất lên đến 15 năm.

Thứ hai, trường hợp vị bác sĩ thấy được mẹ tự rút ống thở nhưng lại không tiến hành các biện pháp cứu giúp khi hoàn toàn có khả năng dẫn đến hậu quả chết người thì bác sĩ sẽ phạm tội không cứu giúp người đang trong trạng thái nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 BLHS. Theo đó, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt tù với hình phạt cao nhất là 2 năm.

Cái chết nhân đạo luôn là một vấn đề nóng gây tranh cãi không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên thế giới vẫn còn rất nhiều quốc gia không công nhận quyền được chết là một quyền cơ bản của con người. Bên cạnh việc công nhận, pháp luật của quốc gia cũng phải quy định rất chặt chẽ để tránh đi những tình trạng cá nhân lợi dụng làm trái quy định pháp luật.

About author

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *