Cẩn thận về lãi suất khi vay tín dụng
Mạnh Cường
Cho khách hàng vay tiền là một hoạt động phổ biến trên thị trường của tổ chức tín dụng nhằm cung ứng cho khách hàng nguồn tiền để họ sử dụng, tuy nhiên, bên cạnh tiền nợ gốc và lãi thì khách hàng có thể phải đối mặt với các khoản tiền lãi khác khi không hoàn thành được nghĩa vụ của mình.
Bản án số 10/2019/DS-PT của TAND xã Q, tỉnh Quảng Trị về tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng thương mại B (nguyên đơn) và bà S (bị đơn). Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn yêu cầu bà S phải trả cho ngân hàng tiền gốc và lãi, trong đó tiền lãi bao gồm lãi trong hạn, lãi quá hạn và lãi chậm trả.
Lãi trong hạn, lãi quá hạn và lãi chậm trả
Luật các tổ chức tín dụng quy định tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức theo quy định của pháp luật.
Cụ thể hơn, theo thông tư 39/2016/TT-NHNN, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận thì phải trả lãi tiền vay bao gồm:
Thứ nhất, lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả (lãi trong hạn). Theo bản án, bà S vay Ngân hàng B 50.000.000 đồng trong thời hạn 36 tháng với lãi suất là 9%/năm. Do đó, khi hết thời hạn cho vay, bà S phải hoàn trả cho Ngân hàng B tiền gốc là 50.000.000 đồng và tiền lãi trong hạn là 13.500.000 đồng.
Thứ hai, lãi chậm trả theo mức lãi suất thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Đây là khoản tiền phát sinh khi khách hàng không thanh toán tiền lãi trên nợ gốc đúng hạn.
Theo bản án, các bên thỏa thuận lãi suất chậm trả bằng 10% năm, trả tiền gốc và lãi vào ngày 25 hàng tháng theo phương thức trả nợ gốc và lãi theo dư nợ gốc ban đầu. Theo phương thức này, hàng tháng bà S phải trả ngân hàng số tiền gốc khoảng 1.388.888 đồng (50.000.000 chia cho 36 tháng) và tiền lãi là 375.000 đồng (13.500.000 đồng chia cho 36 tháng).
Giả sử, bà S chậm trả tiền lãi hàng tháng là 375.000 đồng trong thời gian 2 tháng thì bà sẽ phải trả tiền lãi chậm trả là 6.250 đồng (375.000 đồng x 10%/năm x 2 tháng nợ/ 12 tháng).
Thứ ba, lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn. Khoản tiền này phát sinh khi đến thời hạn thanh toán nợ gốc mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ.
Theo bản án, các bên thỏa thuận lãi suất nợ gốc quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn. Như đã phân tích, hàng tháng bà S phải trả ngân hàng tiền nợ gốc là 1.388.888 đồng. Giả sử trong trường hợp bà S chậm trả tiền nợ gốc một tháng là 1.388.888 đồng trong thời gian 2 tháng (bà S không trả tiền nợ gốc tháng 9 và đến tháng 11 mới trả được, các tháng còn lại bà đều trả đầy đủ) thì bà S phải trả thêm khoản tiền lãi quá hạn là 93.749 đồng (1.388.888 đồng x (9%/năm x 150%) x 2 tháng nợ/12 tháng).
Như vậy, khách hàng khi vay tiền tại các tổ chức tín dụng bên cạnh việc phải hoàn trả tiền lãi trong hạn, họ có thể phải trả các khoản tiền như lãi quá hạn và lãi chậm trả khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán của mình.
Quay trở lại với bản án, bị đơn đã không trả tiền nợ gốc và lãi đúng hạn nên nguyên đơn yêu cầu phải trả cả số tiền nợ gốc, tiền lãi trong hạn, tiền lãi quá hạn. Do đó, Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả tiền nợ gốc và lãi cho nguyên đơn là có căn cứ.
Giới hạn lãi suất áp dụng
Tổ chức tín dụng có quyền thỏa thuận với khách hàng về các khoản tiền lãi trong hạn, lãi quá hạn và lãi chậm trả, tuy nhiên, pháp luật cũng đặt ra giới hạn về lãi suất nhằm tránh trường hợp tổ chức tín dụng đưa ra mức lãi suất quá cao dẫn đến tình trạng mất khả năng chi trả của khách hàng. Như đã trình bày ở phần trên, lãi suất cho vay được các bên thỏa thuận phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong đó, lãi suất chậm trả không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất quá hạn không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
Đối với lãi suất trong hạn, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa bao gồm các trường hợp sau:
Thứ nhất, phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Thứ hai, thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;
Thứ ba, phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Thứ tư, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
Thứ năm, phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao
Như vậy, ngoài các trường hợp vừa nêu, quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN không quy định về giới hạn lãi suất trong các trường hợp khác.
Quay trở lại với Luật các tổ chức tín dụng, Luật quy định Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Pháp luật ở đây được hiểu là bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào có quy định về vấn đề lãi suất.
Do đó, để xác định mức lãi suất cho vay có thể xác định theo BLDS 2015, cụ thể BLDS 2015 quy định rằng trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Như vậy, Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất trong hạn nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Tuy nhiên, khi Hội đồng thẩm phán TANĐ tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP để hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm. Nghị quyết hướng dẫn, khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, Tòa án áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định lãi, lãi suất.
Khi không được áp dụng quy định về lãi suất tại BLDS 2015, sẽ có một khoảng trống pháp lý khi pháp luật về Các tổ chức tín dụng cũng không đưa ra một giới hạn về lãi suất thỏa thuận giữa Tổ chức tín dụng và khách hàng ngoại trừ 5 trường hợp ngoại lệ được phân tích ở trên.
Do đó, có thể hiểu rằng Tổ chức tín dụng và khách hàng sẽ được tự do thỏa thuận về lãi suất khi pháp luật về Các tổ chức tín dụng không quy định rõ ràng. Theo tác giả, quy định này sẽ tạo ra một rủi ro rất lớn đối với khách hàng khi tham gia vào hoạt động vay tín dụng. Tổ chức tín dụng có thể tận dụng vị thế của mình để thỏa thuận mức lãi suất cao hơn nhiều so với mức 20%/năm quy định tại BLDS, kéo theo khoản tiền lãi mà khách hàng phải trả rất cao.
Hướng dẫn của nghị quyết cũng có thể gây ra ảnh hưởng xấu đến thị trường khi tổ chức tín dụng tăng lãi suất vay lên quá cao, khách hàng sẽ không “mặn mà” tham gia vào hoạt động vay từ các tổ chức tín dụng mà sẽ lựa chọn vay tiền từ các tổ chức, cá nhân khác. Hoặc nếu họ chấp nhận tham gia thì sẽ đối mặt với rủi ro không thể trả tiền vay và tiền lãi trong tương lai.
Khi tham gia vào hoạt động vay tín dụng, khách hàng cần phải xem xét cẩn trọng thỏa thuận trong hợp đồng về lãi suất có phù hợp với quy định của pháp luật hay không để tránh rủi ro mất khả năng chi trả tiền gốc và lãi cho tổ chức tín dụng.
Leave a reply