Chiêu trò chuyển nhầm vào tài khoản ngân hàng

Chiêu trò chuyển nhầm vào tài khoản ngân hàng

Bỗng nhiên nhận được một khoản tiền chuyển đến tài khoản ngân hàng mà không rõ lý do, bạn hãy cẩn thận vì đó có thể là một trò lừa đảo tinh vi.

Tài khoản “bỗng dưng có tiền”

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây có văn bản cảnh báo về các hình thức lừa đảo tinh vi, phức tạp trong lĩnh vực ngân hàng khiến các nạn nhân dù đề phòng vẫn có thể sập bẫy. Chiêu thức lừa đảo của đối tượng là giả danh nhân viên ngân hàng thông báo có người chuyển nhầm tiền vào tài khoản của bạn và hướng dẫn thủ tục hoàn trả. Cụ thể gửi kèm đường link yêu cầu khách điền thông tin cá nhân, gồm thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử, sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của bạn.

Một thủ đoạn khác được các đối tượng sử dụng là chuyển tiền đến tài khoản cá nhân của bạn với nội dung cho vay, song chỉ sau một thời gian ngắn, có người tìm đến đòi tiền cho vay kèm theo lãi suất ở mức “cắt cổ”.

Điển hình, trường hợp của bà Nguyễn Thị Hoan (Tên đã được thay đổi) trú tại quận Ba Đình, Hà Nội. Chia sẻ trên trang cá nhân, chị cho biết, vào ngày 14/6/2021 chị bất ngờ nhận được hơn 45 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng cùng với nội dung đính kèm khó hiểu. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, một tài khoản Zalo lạ kết bạn với chị và nói rằng, công ty tài chính đã giải ngân khoản vay của chị. Theo như cách nói của họ, thì chị trở thành một người vay nợ.

Làm gì để “tránh bẫy”

Việc chuyển nhầm tiền không hiếm xảy ra, nhưng người chuyển nhầm, người nhận tiền đều cần tỉnh táo và phối hợp với ngân hàng để giải quyết sự việc, tránh rơi vào các bẫy của đối tượng lừa đảo.

Thứ nhất, về phía người chuyển nhầm tiền, lỗi này phát sinh từ họ. Theo nguyên tắc, xử lý phải qua nghiệp vụ tra soát lại từ người này kết hợp với ngân hàng để xử lý trả lại tiền cho người gửi về tài khoản nó xuất phát.

Điều đáng lưu ý là người nhận được tiền không thể tự động chuyển tiền qua Internet Banking trả lại về tài khoản của người chuyển hoặc bên thứ 3 nào khác. Đồng thời, theo quy định của pháp luật, người đó cũng không thể sử dụng tiền này, bị buộc phải trả lại cho người chuyển. Do vậy, khi đã chuyển tiền nhầm địa chỉ, cần liên hệ với ngân hàng mình sử dụng chuyển tiền để được hướng dẫn xử lý.

Thứ hai, về phía ngân hàng khi được tiếp nhận thông tin chuyển nhầm, ngân hàng không được phép làm lộ thông tin khách hàng. Nếu tự ý cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng, ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và quy định nội bộ ngân hàng.

Thứ ba, khi bị nhận tiền do chuyển nhầm, chủ tài khoản nên chủ động thông báo đến ngân hàng quản lý tài khoản của mình và cùng phối hợp để được xử lý theo quy định. Không tự động chuyển trả tiền qua Internet Banking về tài khoản chuyển đến; hoặc chuyển tiền tiếp tới bên thứ 3 nào khác. Trong trường hợp nhận thông tin của người lạ báo chuyển tiền nhầm vào tài khoản của mình, cũng cần tiếp nhận thông tin trên tinh thần hợp tác, tạo niềm tin rằng số tiền chuyển nhầm sẽ được hoàn trả theo quy định của ngân hàng.

Đặc biệt, tất cả các trường hợp không hợp tác trả lại tiền, thậm chí tự ý rút tiền tiêu xài, ngân hàng và phía người chuyển nhầm tiền đều có thể yêu cầu cơ quan công an xử lý theo quy định pháp luật.

Tham thì thâm

Căn cứ theo Điều 165 Bộ luật Dân sự 2015, việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Theo Điều 579 Bộ luật Dân sựthì: “người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. 

Như đã phân tích, sử dụng tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Trong đó, nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép dưới 10 triệu đồng, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị phạt hành chính. Cụ thể, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 2 – 5 triệu đồng (điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

Ngoài quy định về xử phạt hành chính, hành vi tiêu tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015).

Lời kết: Việc chuyển nhầm tiền đôi khi chỉ là sơ xuất của người thực hiện giao dịch, nhưng từ đây cũng đã tạo thành một chiêu trò cho các đối tượng thực hiện các hành vi lừa đảo người dùng. Nếu chủ tài khoản mất cảnh giác, vô tình sẽ tạo cơ hội cho các đối tượng thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo và ngược lại mình sẽ là nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo ấy.

About author

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *