Chứng khoán hóa nợ xấu – Câu chuyện thập kỉ ở Việt Nam
Cẩm Tú
Chứng khoán hóa nợ xấu không còn là câu chuyện xa lạ tại Việt Nam. Gần một thập kỉ qua, không ít chuyên gia đã gợi nhắc về “mảnh đất” màu mỡ này trên các diễn đàn uy tín. Tuy tiềm năng mạnh mẽ là vậy, nhưng tới nay, hành lang pháp lý của vấn đề này vẫn chưa được ban bố.
Sự hình thành và phát triển của chứng khoán hóa nợ xấu
Ra đời ở những thập niên 70, 80 của thế kỉ trước tại Mỹ, một thời gian chứng khoán hóa nợ xấu trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho nền kinh tế. Tại thời kì đó, các khoản vay mua ô tô và thu thẻ tín dụng là những ngôi sao sáng ghi nhận lợi ích to lớn của loại hình mới này.
Năm 1990, thị trường chứng khoán hóa tăng vọt theo cấp số nhân, mở rộng hầu hết các loại tài sản mang lại dòng tiền trong tương lai. Đến nay, chứng khoán hóa vẫn tiếp tục giữ vững vị thế thu nhập cố định nổi bật cho nền kinh tế Mỹ với lượng phát hành mới hàng năm hơn 450 tỷ USD.
Thế nào là chứng khoán hóa?
Chứng khoán hóa là nghiệp vụ phát hành những công cụ tài chính mới bằng cách kết hợp các tài sản tài chính khác lại với nhau (đóng gói chúng lại rồi chia nhỏ ra), sau đó bán những sản phẩm này cho các nhà đầu tư. Quá trình có thể bao gồm bất cứ loại tài sản tài chính và thúc đẩy tính thanh khoản trên thị trường.
Hoạt động chứng khoán hóa
Giải quyết nhiều cái khó
Với bên đi vay có nợ xấu, đây là phương thức có lợi để tìm nguồn vay của họ. Bởi, như hình thức vay thông thường, nếu cá nhân, tổ chức này có lịch sử nợ xấu hoặc không đủ khả năng tài chính thì khó có thể vay trực tiếp. Tuy nhiên, nếu được chứng khoán hóa nợ xấu thì họ chỉ cần tài sản bảo đảm đủ “chất lượng”. So với hình thức vay có thế chấp, rõ ràng chứng khoán hóa giải quyết “êm đẹp” trăn trở nợ xấu khiến nhiều người không thể đi vay.
Càng có lợi hơn khi tài sản có giá trị thanh khoản thấp, thông qua một thị trường thứ cấp có thể được nâng giá trị thanh khoản lên cao. Ngoài ra còn phân tán được rủi ro thanh toán các khoản nợ trong quá trình luân chuyển trên thị trường.
Với doanh nghiệp vướng phải nợ xấu, chứng khoán hóa được ví như sự “tái sinh”. Nhớ đến sự kiện chứng khóa hóa khoảng năm 2013 của DATC phối hợp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SHB), chuyển hóa được một phần khoản nợ thành cổ phần và đã giải cứu thành công Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco). Nhờ đòn bẩy này mà Bianfishco có đủ sức thực thi tái cấu trúc. SHB cùng DATC tiếp tục tham gia vào quản trị, điều hành mọi hoạt động tại Bianfishco. Xử lý được tình trạng nợ chồng chéo của một doanh nghiệp được xem là “chết lâm sàng” như Bianfishco, các doanh nghiệp và người nông dân ở đồng bằng Sông Cửu Long không khỏi thở phào.
Thành công của chứng khoán hóa cũng được ghi dấu qua câu chuyện của Khách sạn Bảo Sơn. Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cùng với Ngân hàng BIDV đã đưa Bảo Sơn từ con nợ nghìn tỷ thoát khỏi bờ vực phá sản và phát triển đến ngày nay.
Câu chuyện gần một thập kỉ
Khoảng độ năm 2013 đến nay, các chuyên gia thường “ca ngợi” mảnh đất giàu tiềm năng này. TS. Nguyễn Trí Hiếu, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc tại Việt Nam đã cho rằng chứng khoán hóa nợ xấu là yếu tố có lợi cho nền kinh tế. Ngoài ra, Tạp chí Ngân hàng nhà nước cũng không dưới một lần đề cập về loại hình này.
Những phân tích đánh mạnh vào thành tựu mà chứng khoán hóa nợ xấu mang lại cho thu nhập quốc dân, đầy hứa hẹn và sẽ gây dựng được sức mạnh tài chính trong tương lai. Nhưng qua mỗi phân tích, các tác giả đều nêu lên quan điểm rằng thiếu hành lang pháp lý khiến chứng khoán hóa trở thành rủi ro ở Việt Nam. Dường như, phía người làm kinh tế đang “ngụ ý” với cơ quan hữu quan “bật đèn xanh” cho thị trường.
Song so với sự nhiệt tình ủng hộ trên thì các cơ quan lập pháp chưa mặn mà với chứng khoán hóa nợ xấu. Vậy nguyên nhân xuất phát từ đâu?
Khởi điểm vào lúc thị trường còn non nớt
Trở lại câu chuyện vào năm 2013, mặc dù sự kiện của Bianfishco và Bảo Sơn gây nên tiếng vang cho chứng khoán hóa nhưng có ý kiến cho rằng đây chưa phải lúc hoạt động chứng khoán hóa một cách tự do trên thị trường. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ quốc gia khẳng định, chưa thể thực hiện chứng khoán hóa nợ xấu do chưa làm tốt định giá, phân loại nợ, thị trường chứng khoán còn nhỏ, chưa đa dạng nhà đầu tư.
Thời gian qua, thị trường chứng khoán của Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, quy mô đã đạt 90,4% GDP, các sản phẩm tài chính phái sinh ra đời, thu hút quỹ đầu tư, nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân… Dẫu vậy, vẫn chưa có một hồi âm nào về xây dựng hành lang pháp lý cho chứng khoán hóa nợ xấu tại Việt Nam.
Rủi ro trên thị trường Mỹ
Phải thừa nhận rằng chứng khoán hóa nợ xấu tạo bước ngoặt lớn cho giá trị quốc nội của Mỹ nhưng cũng chính nó gây nên rối ren không kém cạnh lợi ích. Đầu những năm 2000, hiện tượng tiêu chuẩn tín dụng thấp, lãi suất vay và chi phí trung gian cao xuất hiện, người đi vay để mua nhà rơi vào vòng lặp “vay đầu này trả đầu kia”, chứng khoán hóa từ một phương pháp giải quyết nợ xấu lại trở thành “động lực” thúc đẩy nợ xấu. Bất động sản thế chấp được tăng thanh khoản lên cao bất ngờ vì qua nhiều khâu trung gian. Điều đó dẫn tới việc người người ồ ạt đầu cơ, mua đi bán lại bất động sản để kiếm lời vì sự dễ dãi của thị trường.
Không những vậy, qua mỗi giai đoạn chứng khoán hóa lại phát sinh thêm những rủi ro tiềm ẩn như thỏa thuận vay quá mức của bên đi vay và tổ chức trung gian, áp đặt điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng, thiếu trách nhiệm đảm bảo giá trị tài sản, trục lợi trong khâu quản lý tài sản, nhà đầu tư thiếu hiểu biết về kế hoạch tài chính của các tổ chức và ngân hàng…
Giả sử, Việt Nam áp dụng rộng rãi chứng khoán hóa nợ xấu như Mỹ thì liệu khó khăn nước bạn gặp phải, chúng ta có thể tự mình khắc phục được hay sẽ phát sinh những nút thắt mới.
Yêu cầu sự quản lý, giám sát và dự liệu là ưu tiên hàng đầu
Quả thật, từ kinh nghiệm của Mỹ, chứng khoán hóa có thể phát sinh nhiều rủi ro làm xoay chuyển tình hình tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Vì vậy, mỗi quá trình cần sự giám sát chặt chẽ, tránh những chứng khoán hóa biến tướng để các cá nhân, tổ chức có cơ hội “đụt khoét” khi dòng tiền luân chuyển trên thị trường.
Ở Trung Quốc, trải qua thời gian thăng trầm và nghiên cứu khắc phục, thị trường chứng khoán hóa của quốc gia này đã đạt được bước tiến nổi trội đến ngày nay. Đó là nhờ chính sách thích hợp với mỗi thời kì lên xuống của thị trường, biết tạm ngừng đúng lúc vào thời điểm kinh tế toàn cầu bị ngừng trệ và đột phá khi thị trường chung khởi sắc. Qua đó, sự đồng hành và kiểm soát xuyên suốt của nhà nước là thành tố quan trọng, làm nền tảng để chứng khoán hóa thể hiện hết tiềm năng của mình. Tuy nhiên, đây cũng là “canh bạc” mạo hiểm, là thử thách lớn cho bất kì chính phủ nào.
Đã đến lúc bàn đến chứng khoán hóa nợ xấu trong tương lai?
Tại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khả năng nợ xấu trong nền kinh tế được dự đoán sẽ tăng cao. Một lần nữa, chứng khoán hóa nợ xấu được nhắc đến, giúp những công ty có số nợ lớn trụ vững qua thời kì khó khăn.
Để làm được điều đó, cần đánh giá cẩn thận tình hình thị trường chứng khoán hiện nay, năng lực của các tổ chức trung gian và ngân hàng thương mại. Đặc biệt, các tổ chức này nên có bộ phận quản lý tài chính và kinh doanh theo dõi mỗi đối tượng vay. Như sự thành công giải cứu Bianfishco, đòi hỏi sự tham gia quản lý từ các tổ chức tài chính và ngân hàng mới có khả năng vực dậy tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra còn một số vấn đề khác cần phải hết sức lưu tâm như xây dựng cơ quan chuyên trách, đánh giá và quản trị rủi ro…
Mặt khác, tình hình tài chính có thể biến động, nhất là vào thời điểm khó khăn hiện tại, các cơ quan có thẩm quyền càng phải cân nhắc thực hiện chứng khoán hóa đúng thời điểm, tránh tràn lan, lạm dụng. Nếu không, chính chúng ta sẽ bước vào vết xe đổ của nước bạn, thậm chí là lún sâu hơn nữa.
Khi các cơ quan đánh giá tốt thị trường và xây dựng được đội ngũ hoạt động cứng cáp thì hành lang pháp lý về chứng khoán hóa nợ xấu sẽ sớm ra đời theo định hướng của nhà nước và nhu cầu của thị trường.
Tin rằng, các cơ quan hữu quan đang có những kế hoạch đưa chứng khoán hóa hoạt động lành mạnh tại Việt Nam. Nếu trong tương lai, chứng khoán hóa nợ xấu hoạt động hiệu quả, kinh tế nước ta sẽ chuyển mình mạnh mẽ và đạt thành tựu đáng kể.
Leave a reply