Rao bán thông tin cá nhân
Mạnh Cường
Trên diễn đàn R*forums, thành viên có tên Ox1337xO đã đăng tải một bài viết để rao bán cơ sở dữ liệu với dung lượng lên đến 17 GB trong đó chứa thông tin cá nhân của hàng nghìn người tại Việt Nam như họ tên, số điện thoại, địa chỉ, địa chỉ email… Sự việc trên đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội trong nhiều ngày qua.
Sử dụng trái phép thông tin của người khác có vi phạm pháp luật?
Theo Nghị định 64/2007/NĐ-CP, thông tin cá nhân là thông tin đủ để xác định chính xác danh tính một cá nhân, bao gồm ít nhất nội dung trong những thông tin sau đây: họ tên, ngày sinh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu.
Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Như vậy, thông tin cá nhân là thông tin quan trọng và được pháp luật bảo vệ. Hành vi sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người khác là hành vi vi phạm pháp luật.
Vậy, việc rao bán các hình ảnh chụp thông tin CMND, căn cước công dân, ảnh/video, địa chỉ, số điện thoại, email… không được phép của chủ sở hữu là hành vi vi phạm pháp luật và đem lại nhiều rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cá nhân bị tiết lộ thông tin.
Rủi ro đối với người bị lộ thông tin?
Thứ nhất, người bị lộ thông tin cá nhân có thể vướng vào các khoản nợ “trên trời rơi xuống”. Công nghệ ngày càng phát triển, việc sử dụng các dịch vụ online cũng trở nên phổ biến, các khoản vay qua app online trở nên dễ dàng vì chỉ cần vài thao tác nhập thông tin sẽ có thể vay được khoảng tiền lên đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, các nhà mạng có các hình thức đăng ký sim qua online và giao tại nhà, tương tự như vay tiền qua app online với các thông tin bất kỳ, ai cũng có thể đăng ký sim một cách tiện lợi. Thông qua việc đăng ký mua sim online các đối tượng sẽ lựa chọn hình thức thanh toán trả sau và trục lợi được từ nhà mạng. Như vậy, người bị lộ thông tin cá nhân có thể bị vướng vào các khoản vay, các khoản trả nợ đối với sim trả sau,… mà phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để chứng minh các khoản vay, khoản nợ đó không phải do mình thực hiện.
Thứ hai, người bị lộ thông tin phải đối diện là các thủ đoạn lừa đảo từ những cuộc điện thoại lạ. Các đối tượng sau khi nắm được thông tin trong CMND, số điện thoại sẽ gọi điện và giả danh là cán bộ của các cơ quan nhà nước để lừa dối và chiếm đoạt tài sản của người bị lộ thông tin.
Thứ ba, người bị lộ thông tin cá nhân còn có thể nhận được nhiều tin nhắn, cuộc gọi mời mua hàng từ các bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Các tổ chức hiện nay thường xuyên thực hiện các giao dịch mua dữ liệu thông tin của khách hàng. Khi có được khối lượng thông tin, các tổ chức sẽ tiến hành gửi các lời mời quảng cáo, gọi điện chào hàng đến với những người trong danh sách dữ liệu mà tổ chức mua được. Những người bị lộ thông tin cá nhân sẽ cảm thấy “phiền toái” khi nhận được những lời mời liên tục gây ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày của họ.
Có thể đòi bồi thường thiệt hại?
Theo quy định tại BLDS, “người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Như đã nói, hành vi sử dụng thông tin trái phép của người khác là hành vi xâm phạm đến quyền được bảo vệ về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình nên người có hành vi gây thiệt hại phải bồi thường.
Dựa vào quy định trên, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải đáp ứng được 03 điều kiện là có hành vi trái pháp luật, có thiệt hại thực tế và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại.
Đầu tiên, hành vi sử dụng thông tin trái phép của người khác là hành vi xâm phạm đến quyền được bảo vệ về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Do đó, hành vi này là hành vi trái pháp luật.
Tiếp đến, các rủi ro mà người bị lộ thông tin có thể gặp phải như đã phân tích có dẫn đến thiệt hại về vật chất và tổn thất về tinh thần trên thực tế.
Thiệt hại vật chất có thể là các khoản “nợ trên trời rơi xuống” nếu người bị lộ thông tin không chứng minh được họ ngay tình thì chính bản thân họ sẽ phải trả các khoản tiền nói trên. Trong trường hợp họ tin vào những lời nói của các đối tượng lừa đảo và thực hiện việc chuyển tiền qua tài khoản của các đối tượng và sẽ mất trắng các khoản tiền.
Với những thiệt hại vật chất kể trên, nạn nhân có thể yêu cầu được bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần kéo theo nếu có những căn cứ yêu cầu bồi thường như sức khỏe, tâm lý bị giảm sút do ảnh hưởng từ các thiệt hại vật chất. Như vậy, hành vi sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người khác có thể gây ra những thiệt hại vật chất cũng như tinh thần cho những người bị lộ thông tin.
Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế xảy ra. Nếu xét trên từng hành vi cụ thể, những hành vi như để lộ thông tin hay bán thông tin chưa chắc đã gây thiệt hại thực tế cho người bị lộ thông tin cá nhân. Theo quan điểm của tác giả, đối tượng có hành vi sử dụng trái phép thông tin cá nhân như gọi điện lừa đảo, vay tiền qua các app online, mua sim online,… là các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi gây thiệt hại cho người bị lộ thông tin và đối tượng này sẽ là người phải bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, nếu xét một cách tổng quan thì để có hành vi hành vi gây thiệt hại trực tiếp thường phải có các hành vi làm tiền đề, bao gồm cả các hành vi để lộ thông tin và hành vi bán thông tin. Trong trường hợp xác định được đối tượng để lộ thông tin và đối tượng bán thông tin có mối liên hệ với người gây thiệt hại thì nên xác định trách nhiệm bồi thường liên đới để đảm bảo quyền lợi cho nạn nhân. Nhưng việc xác định được chủ thể thực hiện các hành vi trên trên thực tế cũng gặp nhiều khó khăn.
Leave a reply