CHẾT GIẢ
Tưởng rằng câu chuyện chết giả chỉ có ở trong phim kiếm hiệp để lừa đối phương rồi phản đòn bất ngờ. Thế mà, câu chuyện chết giả lại xảy ra ở gia đình bà Trần Thị Tuyến (ở ấp Phước Hòa A, TT.Cù Lao Dung).
Vì có nghi vấn về đám tang của bà Tuyến nên lực lượng công an đã đến gia đình bà Tuyến để thực hiện xác minh, nhưng mở nắp quan tài tại đám tang, nhiều người chứng kiến bất ngờ khi phát hiện trong quan tài chỉ có…3 bao cát. Sau đó, được vận động của người thân trong gia đình, bà Tuyến về nhà và đang làm việc với cơ quan công an để làm rõ hành vi tổ chức đám tang giả.
- Chết có dễ không?
Một người sinh ra được quyền khai sinh thì khi họ chết đi cũng phải được quyền khai tử, đây là những quyền con người, quyền công dân cơ bản mà Hiến pháp 2013 và các quy định pháp luật Việt Nam đã ghi nhận, đồng thời, việc này chính thức thừa nhận sự tồn tại và mất đi của họ trên mặt pháp lý. Các quy định của BLDS và Luật Hộ tịch, cụ thể từ Điều 32 đến Điều 34, từ Điều 51 đến Điều 52 Luật Hộ tịch 2014 đã quy định về trình tự, thủ tục đăng ký khai tử với các cá nhân chết tại Việt Nam tại UBND huyện hoặc UBND xã. Đối với trường hợp công dân Việt Nam chết ở nước ngoài thì theo Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP việc thực hiện trình tự, thủ tục này sẽ diễn ra cơ quan đại diện khu vực lãnh sự có thẩm quyền của Việt Nam tại nước đó.
Theo đó, một cá nhân là công dân Việt Nam khi chết đi phải được thực hiện thủ tục khai tử với họ để thừa nhận cái chết đó trên mặt pháp lý để làm căn cứ thực hiện các bước xử lý di sản, chia thừa kế. Trong trường hợp chưa được khai tử thì pháp luật chưa thừa nhận cái chết của họ là sự kiện đã xảy ra, do đó không thể thực hiện các thủ tục tiếp theo đối với tài sản của họ.
Nghĩa vụ thực hiện thủ tục khai tử cho người đã chết thuộc về người thân thích của họ, trong trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử. Nếu không xác định được người có trách nhiệm đi khai tử thì công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện đăng ký khai tử.
Vậy để xác nhận một người đã chết trên mặt pháp lý cần phải thực hiện đầy đủ hồ sơ hợp lệ và trải qua trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật chứ không đơn giản chỉ cần tổ chức đám tang là đã thừa nhận họ chết.
2. Việc tổ chức đám tang giả có vi phạm pháp luật không?
Hiện nay không có căn cứ pháp luật nào cấm hành vi tổ chức đám tang giả cho một người còn sống. Tuy nhiên, trong trường hợp tổ chức đám tang giả kết hợp với một số hành vi khác nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, hoặc lợi dụng việc tổ chức đám tang giả nhằm mục đích thu tiền phúng điếu hoặc nhằm trốn thực hiện nghĩa vụ trả nợ hay nghĩa vụ nào khác thì tùy nặng nhẹ mà cá nhân đó cùng những người tổ chức đám tang giả có thể bị phạt hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ vào mức độ, tính chất, hậu quả của từng trường hợp cụ thể mà các cơ quan hành pháp, cơ quan điều tra, cơ quan công tố, cơ quan xét xử sẽ đưa ra kết luận hành vi tổ chức đám tang giả đó có vi phạm pháp luật hay không và vi phạm dưới tên gọi hoặc tội danh gì.
Cụ thể trong trường hợp của bà Trần Thị Tuyến được đề cập, nếu như các cơ quan chức năng điều tra ra việc bà và gia đình tổ chức đám tang giả là nhằm thu tiền phúng điếu, số tiền thu được trên 2.000.000 hoặc dưới 2.000.000đ nhưng thuộc một số trường hợp Luật định, hành vi này đã có dấu hiệu cấu thành tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 thì hành vi của bà và gia đình có thể bị truy cứu trách nhiêm hình sự với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hoặc Bà Tuyến và gia đình có thể bị truy cứu hình sự với tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Điều 175 BLHS 2015 nếu cơ quan chức năng cho rằng việc bà Tuyến vay tiền của người khác sau đó tổ chức đám tang giả là để nhằm bỏ trốn chiếm đoạt số nợ hoặc nhằm mục đích cố tình trốn tránh không trả số nợ đã đến hạn mặc dù có điều kiện, khả năng trả nợ, tổng số nợ này trên 4.000.000đ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Vậy với tình huống thực tế trên, một hành vi tổ chức đám tang giả chưa đủ căn cứ để xác định có hay không hành vi vi phạm pháp luật mà còn tùy thuộc vào kết luận dựa trên quan điểm của cơ quan điều tra thông qua những lời khai, chứng cứ khách quan mới xác định hành vi vi phạm trong hành vi tổ chức đám tang giả ấy.
Leave a reply