Vốn ODA (Viện trợ phát triển chính thức) cho doanh nghiệp tư nhân đã được triển khai khá thành công trên thực tế. Trong bối cảnh nợ công tăng vượt ngưỡng cho phép, việc đẩy mạnh vốn ODA cho khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội được đánh giá là giải pháp tối ưu để tận dụng nguồn vốn giá rẻ này.
Đã đi…
Chương trình ODA có sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian qua có thể kể đến như chương trình hạn mức tín dụng để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (Đan Mạch), tín dụng hai bước để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (Nhật), xây dựng nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 2 (Ngân hàng Thế giới)…
Trong đó, một số dự án đã được thực hiện và đi vào hoạt động. Chẳng hạn như dự án xây dựng Trung tâm Đào tạo phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật Việt – Nhật do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Esuhai làm chủ đầu tư với tổng mức tài trợ 200 triệu yen. Mục đích của dự án là nhằm giải bài toán về nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho các nhà đầu tư Nhật tại Việt Nam.
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật (JICA) đã ký hợp đồng hợp tác lâu dài để Ngân hàng Á Châu (ACB) làm trung gian tái cấp vốn cho các dự án đầu tư mà JICA tài trợ. Theo đó, ACB cấp tín dụng cho Esuhai để đầu tư xây dựng Trung tâm Đào tạo phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật Việt Nhật – Kaizen Yoshida School. Đây là chương trình cấp vốn theo mô hình tín dụng hai bước (JICA giải ngân cho ACB, sau đó ACB giải ngân cho nhà đầu tư).
Ngoài ra, dự án của Công ty Cổ phần Năng lượng Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát) đã vay được nguồn vốn ưu đãi ODA qua JICA với tổng trị giá 319 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi 9,6%/năm trong thời hạn 15 năm. Công ty đã sử dụng vốn vào dự án tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả ở dự án sản xuất than coke và nhiệt điện. JICA cũng đã tài trợ cho vay đầu tư dự án xây dựng hệ thống đường sá, nước thải cho các khu công nghiệp ở tỉnh Long An. Công ty Kobelco Eco Solutions Co. Ltd là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà máy lọc nước và xử lý nước thải tại đây và có nhận vốn tài trợ từ JICA.
Ông Mutsuya Mori, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, cho biết tiêu chí lựa chọn dự án tài trợ vốn đầu tư ODA của JICA theo phương thức tín dụng hai bước là các dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, các dự án cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Dự án được tài trợ trước tiên phải thông qua sự thẩm định của JICA. Sau khi được chọn ra, phía ngân hàng cũng sẽ thẩm định, tư vấn về tài chính và tính khả thi của dự án. Đó là mô hình ba bên gồm tổ chức tài trợ – ngân hàng – chủ đầu tư dự án. Ngân hàng hoặc chính phủ có thể đóng vai trò trung gian trong việc tài trợ vốn này, dù chủ đầu tư dự án là doanh nghiệp tư nhân.
Hiện nay, tiềm lực của các doanh nghiệp tư nhân đã khá mạnh, có khả năng đầu tư vào các chương trình, dự án công. Do vậy, mô hình hợp tác công – tư (PPP), trong đó có sử dụng một phần vốn ODA là bước đi ban đầu giúp thực hiện hóa chủ trương của Chính phủ trong đầu tư phát triển.
…nhưng còn chậm
Trong những năm qua, các nguồn vốn cam kết của nước ngoài thường được giải ngân, thậm chí có năm chỉ đạt khoảng 50- 60%. Rõ ràng, trong khi nhu cầu phát triển đất nước là rất lớn thì có một nguồn vốn tương đối rẻ lại bị lãng phí vì những vấn đề trì trệ nội tại. Điều này làm mất đi các lợi thế về chi phí vốn, lãng phí chi phí cơ hội của nguồn ODA.
Đối với những nguồn vốn vay giá rẻ, trong khi hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đều dễ dàng tiếp cận thì những doanh nghiệp tư nhân vẫn trong cảnh thiếu vốn và phải huy động vốn với giá cao (thường phải chịu lãi gấp 2-3 lần nguồn vốn ODA).
Một tín hiệu đáng mừng là Thông tư 01/2014/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (có hiệu lực từ ngày 26.02.2014, hướng dẫn Nghị định 38/2013/NĐ-CP về khu vực tư nhân tiếp cận vốn ODA và vốn vay ưu đãi) đã mở ra một cơ chế để phát huy tối đa lợi thế của ODA cho khu vực tư nhân. Dù cánh cửa vốn đã mở rộng hơn, nhưng vẫn được đánh giá là chưa thông thoáng.
Đánh giá về mức độ khó khăn trong việc tiếp cận vốn ODA của doanh nghiệp tư nhân, ông Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng khó khăn tồn tại ở những mặt như thể chế, cơ chế quản lý, thủ tục hành chính và năng lực con người, kể cả đối với cơ quan quản lý nhà nước về ODA lẫn doanh nghiệp tư nhân sử dụng nguồn vốn này.
Theo ông Minh, tính phức tạp trong lĩnh vực này có thể giải quyết được nếu chính sách sử dụng vốn ODA trong thời gian tới dựa trên nguyên tắc “người hưởng lợi ODA có trách nhiệm trả nợ và chia sẻ rủi ro với Chính phủ”. Ông cũng cho rằng cần có sự linh động trong phương thức giải ngân vốn ODA mà không nhất thiết phải đi qua con đường bảo lãnh của Chính phủ như hình thức tín dụng hai bước của JICA. Đồng thời, cần đảm bảo khả năng an toàn vốn và khả năng tái sử dụng nguồn vốn cũng như cân bằng giữa lợi ích của người được hưởng ODA và xã hội.
Nhận xét về khả năng trả nợ ODA của doanh nghiệp tư nhân, đại diện của JICA cho rằng vì phương thức giải ngân và quy trình thẩm định dự án rất tốt, nên không phải lo lắng về khả năng trả nợ của khu vực tư nhân. Vị này cũng cho biết nhiều dự án có mức độ an toàn nguồn vốn còn tốt hơn các dự án ODA vay dưới sự bảo lãnh của Chính phủ.
“Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới cũng không quan ngại về vấn đề này. Mặt khác, quy mô của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn, đặc biệt khu vực tư nhân, với tăng trưởng hằng năm ở mức cao. Do đó, trả nợ không phải là vấn đề lớn đối với Việt Nam”, đại diện JICA nói.
Hợp tác PPP là một hình thức có thể khai thác nguồn lực to lớn từ thành phần kinh tế tư nhân. Mô hình này không chỉ giúp giảm áp lực về vốn cho ngân sách nhà nước mà còn tạo thêm không gian cho các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh. Do đó, kết hợp hình thức hợp tác PPP trong đó có sử dụng vốn ODA được đánh giá là một giải pháp hiệu quả giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
|