Dự án BOT hay là “băm” Quốc lộ 1A để thu tiền
Hàng loạt các dự án BOT (Xây dựng- Kinh doanh- Chuyển giao) mở rộng Quốc lộ 1A đồng loạt triển khai từ Khánh Hòa tới Quảng Bình. Theo nhận định của các chuyên gia thì việc này chẳng khác nào chia đoạn Quốc lộ 1A ra để thu tiền
“Nở rộ” BOT
Theo báo cáo của Bộ GTVT về dự án mở rộng QL 1A lên 4 làn xe, sẽ có gần 20 dự án thành phần được thực hiện theo hình thức BOT (trong đó có 2 dự án theo hình thức BT kết hợp BOT là hầm Đèo Cả và đoạn từ đầu tỉnh Phú Yên đến Sông Cầu – Phú Yên), còn 17 đoạn đầu tư theo hình thức BOT.
Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bình Định có chiều dài hơn 100 km, trong đó có 60 km được thực hiện bằng vốn trái phiếu chính phủ, phần còn lại đầu tư theo hình thức BOT.
Tuyến Quốc lộ 1A, đoạn phía Bắc tỉnh Bình Định, có chiều dài hơn 28 km. Theo thiết kế, tuyến đường này được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, bề rộng nền đường từ 20,5 m đến 24,5 m, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và hỗn hợp, có vận tốc trung bình từ 60 – 80 km/h.
Tổng vốn đầu tư của Dự án là hơn 1.646 tỷ đồng, do Liên danh 4 nhà đầu tư, gồm: Tổng công ty Thành An, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vinaconex – PVC và Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Long Trung Sơn, dự án hoàn vốn trong 22 năm, 3 tháng.
Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn phía Nam tỉnh Bình Định, dài hơn 40, km, qua 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên cũng đã được khởi công xây dựng theo tiêu chuẩn tương tự.
Dự án có chiều dài 40,66 km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, với vận tốc trung bình 80 km/h, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, do nhà đầu tư là Tổng CTCP đầu tư BOT Bình Định thu xếp, kể cả nguồn vốn giải phóng mặt bằng, sau đó được hoàn trả qua hình thức thu phí, với thời gian hoàn vốn 25 năm, 5 tháng, kể từ tháng 1/2016.
Dự án BOT mở rộng QL 1A đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Cầu Giát (Nghệ An). Dự án có tổng chiều dài 33,93 km, tổng mức đầu tư khoảng 3.627 tỉ đồng đang gấp rút được triển khai.
14 tháng thu tiền cho 1 km đường
Theo ông Hoàng Văn Công, dự án BOT Bắc Bình Định, có chiều dài dự án 28 km, trong đo có 8 km dự án chống ngập của địa phương, nhà đầu tư chỉ đầu tư 20 km.
Như vậy, đầu tư xây dựng 20 km đường được thu phí trong 22 năm 3 tháng. Quốc lộ 1A là con đường huyết mạch, mật độ tham gia giao thông rất cao. Khi đi vào vận hành, mức thu phí chưa biết là bao nhiêu vì phải thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, nhìn con số thấy mức thu của chủ đầu tư khi hoàn thành dự án là rất “khủng”.
Các dự án BOT sẽ bắt đầu đưa vào vận hàng vào năm 2016, đồng thời là các trạm thu phí sẽ mọc lên như nấm.
Theo nhiều chuyên ra thì hình thức đầu tư BOT đã trở nên lạc hậu trong giai đoạn hiện nay. Với hình thức đầu tư này có thể ảnh hưởng đến khía cạnh khác nhau trong cơ cấu thành phần kinh tế. Mặt khác, dự án BOT phải được ưu đãi cực “khủng” thì nhà đầu tư mới tham gia.
Theo Giáo sư Fukunara Kimura của Trường Đại học Tổng hợp Keio (Nhật Bản) nói, đấy là lý do khiến cho mô hình PPP (Hợp tác Công – Tư) ra đời. Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển nhanh về dịch vụ công cộng, cũng như cơ sở hạ tầng thì hình thức PPP là giải pháp tối ưu.
Nhật Bản là một trong các quốc gia đã phát triển mạnh nhất mô hình này ở Châu Á. Theo kinh nghiệm của nước này, có ít nhất hai lĩnh vực mà mô hình PPP có thể phát huy hiệu quả, đó là dự án không thể hoặc khó áp dụng cổ phần hóa và dự án Nhà nước không thể tham gia trực tiếp.
Cụ thể như các dự án về sản xuất và phân phối điện, đường cao tốc, giao thông đô thị, dịch vụ cảng, cấp nước và dịch vụ công cộng. Hiệu quả của mô hình này đem lại là giảm chi phí, giảm rủi ro và tạo ra được môi trường cạnh tranh cao.