Dệt may trước thềm TPP: Khó có ló khôn?

Dệt may trước thềm TPP: Khó có ló khôn?

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam để tận dụng TPP. Ảnh: Trường Nikon

 

Tham gia TPP, doanh nghiệp dệt may Việt đang ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Việt Nam tham gia TPP, doanh nghiệp ngành dệt may đang ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu? Thực tế, chớp thời cơ này, khối FDI đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực dệt may và đưa doanh nghiệp Việt Nam vào thế phải “tự vệ”.

Ăn cỗ đi trước

Tham gia TPP, doanh nghiệp dệt may Việt Nam có lợi thế ở việc xuất khẩu hàng ra thế giới. Quy định xuất xứ “từ sợi” (yarn forward) của TPP buộc doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên TPP (không có Trung Quốc). Nếu làm được điều đó, thuế suất xuất khẩu may mặc của Việt Nam được đưa xuống 0% khi vào Mỹ, thị trường lớn nhất của Việt Nam trong số các nước tham gia TPP.

Tuy nhiên, cũng chính vì lý do này mà trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp dệt may thuộc Trung Quốc (gồm cả Đài Loan và Hồng Kông) đã nhanh chóng đầu tư vào xây dựng nhà máy sản xuất dệt, sợi, nhuộm… tại Việt Nam để đón đầu TPP.

Ví dụ, đại diện Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Worldon Việt Nam thuộc Tập đoàn Shenzhou International (Trung Quốc) đã đầu tư thành lập trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp trên diện tích 45 ha tại Khu Công nghiệp Đông Nam. Công ty Forever Glorious thuộc Tập đoàn Sheico (Đài Loan) cũng đầu tư 50 triệu USD để triển khai một dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc chuyên dụng cao cấp cho thể thao dưới nước. Trong khi đó, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Gain Lucky, một doanh nghiệp con khác thuộc Tập đoàn Shenzhou International chuyên sản xuất trang phục cho các thương hiệu như Nike, adidas, Puma… đã cam kết đầu tư 140 triệu USD vào TP.HCM.

Mới đây, vào đầu tháng 10.2014, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Liên doanh Nam Phương Textile (hợp tác giữa Tập đoàn Haputex Development Limited của Hồng Kông và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Việt Hương, chủ đầu tư Khu Công nghiệp Việt Hương 1 và 2) vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất vải dệt các loại với vốn đầu tư 120 triệu USD tại Khu công nghiệp Việt Hương 2, tỉnh Bình Dương.

Theo ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Nam Phương Textile, thì TPP là một trong những lý do khiến đơn vị này lựa chọn đầu tư dự án tại Việt Nam. “Chúng tôi tin rằng, khi TPP được ký kết, các sản phẩm của chúng tôi sẽ thuận lợi hơn và có khả năng cạnh tranh tốt hơn khi thâm nhập thị trường các nước thuộc TPP”, đại diện Liên doanh Nam Phương Textile nói.

Theo đại diện Hepza, tính đến tháng 9.2014, đầu tư FDI có tổng vốn thu hút đạt 264,67 triệu USD (tăng 80,69% so cùng kỳ). Trong đó, ngành nghề được các nhà đầu tư FDI quan tâm nhất thuộc lĩnh vực dệt may cao cấp (chiếm 82,44% tổng vốn đầu tư), tương đương khoảng 200 triệu USD.

Cỗ chưa bày, người tham dự chia phần đã đến. Nhà đầu tư ngoại rất nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội đầu tư. Sẽ không có chuyện cùng nhau hưởng lợi mà là cạnh tranh khốc liệt trong cuộc chơi chung này. Câu chuyện “trâu chậm uống nước đục” sẽ thuộc về người đến sau.

Nhanh chân kẻo chậm

Sớm hay muộn gì thì TPP cũng sẽ được ký kết. Quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam được lợi thế gì trong sân chơi này. Trong bối cảnh ngành dệt chưa được chú trọng đầu tư đúng mức, vẫn chủ yếu là gia công và phải nhập khẩu nguyên phụ liệu. “Ngành dệt không được chú trọng thì gia nhập TPP làm gì” là lời của khá nhiều người trong cuộc khi nhận định về thế trận này. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn âm thầm chuẩn bị đầu tư để “tiếp khách”.

Chiến lược tái cấu trúc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9. 2012 được xem là đã thành công bước đầu. 50% cổ phần của Vinatex khi chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) đã thuộc về nhà đầu tư nước ngoài. Ðược biết, nhằm đảm bảo tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, Vinatex đã lên kế hoạch hình thành chuỗi cung ứng sợi-dệt-nhuộm-may và nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất dệt may.

Tổng Công ty Phong Phú cũng có những bước đi ban đầu để đón thời cơ khi công bố đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng/năm để mở rộng năng lực sản xuất và cung cấp nguồn nguyên phụ liệu cho ngành dệt may. Hai trong số những dự án lớn sẽ được Phong Phú triển khai là mở rộng dây chuyền sản xuất dệt kim tại Nha Trang với vốn đầu tư 400 tỉ đồng và dự án đầu tư sản xuất vải denim với số vốn 860 tỉ đồng tại Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân.

Công ty may Thành Công (TCM) thì đầu tư cho việc mở rộng sản xuất và xuất khẩu vải cao cấp để cung ứng cho thị trường Nhật Bản. Hiện nay, TCM đang cung cấp 25% nhu cầu vải cho một doanh nghiệp dệt may lớn của Nhật là Nomura Trading. Thiết kế và sản xuất loại vải này đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao nên lợi nhuận cũng vào khoảng 25%. Đầu tháng 10.2014, TCM đã nhập thêm 15 máy dệt thoi và đã nâng công suất của khâu dệt lên khoảng 20%.

Rõ ràng, nếu không nhanh chân đầu tư tạo thế cân bằng trong nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho ngành may thì doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể bị chặn đầu sợi-dệt trong chuỗi giá trị dệt may; và phải “an phận” với gia công. Ngay cả như Tổng Công ty Phong Phú, dù là đơn vị sản xuất và cung ứng vải jean khá lớn nhưng 100% nguồn vải jean Phong Phú làm ra chỉ mới bán cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Còn 60% sản lượng chỉ của Công ty Liên doanh sản xuất chỉ Phong Phú-Coats (Anh) bán cho doanh nghiệp FDI tại thị trường Việt Nam cũng là nhờ các nhà nhập khẩu chỉ định phải dùng chỉ của hãng Coats.

Thế trận thì đã rõ. Hơn ai hết, doanh nghiệp dệt may Việt Nam rất cần có một cơ chế chu toàn của nhà quản lý trước khi tham gia sân chơi TPP để tránh lặp lại vết xe đổ khi gia nhập WTO, ASEAN… Ðừng để Việt Nam tham gia để “có mặt”, doanh nghiệp thì “méo mặt”.

About author